Mở bài - Kết bài dành cho các tác phẩm văn xuôi || Lớp 9

Ngày 11/05/2023 17:40:23, lượt xem: 5323

I. LÀNG (KIM LÂN)

- ​ MỞ BÀI:

“Ai quên cho được mái tranh nâu

Luống đất bờ ao với nhịp cầu

Mồ mả ông chôn giữa đất

Lòng người, lòng đất cảm thông nhau.”

 (“Tình quê tình nước” - Kiên Giang)

Con người, bất cứ ai, sinh ra, lớn lên cũng đều gắn mình với quê hương, với một bờ ao, một luống đất, một dòng sông, một khu phố, một con đường… với biết bao tình cảm mến thương khăng khít. Chính tình yêu đối với những sự vật nhỏ bé, cụ thể ấy đã góp lại trở thành tình yêu quê hương, đất nước. Xuyên suốt các chặng đường văn học Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước đã trở thành mạch nguồn cảm xúc dạt dào, tuôn chảy. Truyện ngắn “Làng” cũng nằm trong mạch nguồn cảm xúc ấy. Đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1948). Truyện đã khắc họa nhân vật ông Hai – một lão nông cần cù, chăm chỉ, mang nặng tình yêu làng, yêu kháng chiến.

 

- ​ KẾT BÀI:

         “Làng” là một truyện ngắn hết sức thành công của Kim Lân. Tác phẩm đã thể hiện tình yêu làng của ông Hai trong niềm say mê, hãnh diện. Tình yêu ấy được đặt trong tình yêu nước, thống nhất với tinh thần kháng chiến của nhân dân trong những tháng ngày lầm than. Đọc truyện ngắn Làng giúp ta hình dung được một thời kì chống Pháp sôi nổi của nhân dân, mọi người một lòng theo Bác, theo Đảng, theo kháng chiến đến cùng. Có lẽ chính vì thế mà cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn khắc sâu trong tim những câu chữ mà Kim Lân đã thể hiện trong tác phẩm của mình.

 

II. LẶNG LẼ SA PA (NGUYỄN THÀNH LONG)

- ​ MỞ BÀI:

Nguyễn Thành Long là nhà văn tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Với tài năng đặc biệt trong thể loại truyện ngắn và ký, ông đã để lại rất nhiều tác phẩm hay và đặc sắc, trong đó phải kể đến tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, được viết trong chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè của Nguyễn Thành Long. Nhà văn đã khắc hoạ thành công hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Với một ý thức trách nhiệm, một tinh thần tự nguyện, một lòng say mê nghề nghiệp và những đức tính tốt khác, anh thanh niên đã trở thành một hình tượng điển hình của người lao động. Bằng lối viết sắc sảo, miêu tả tinh tế, tác giả đã khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn người đọc, hình ảnh sapa hiện lên vô cùng quyến rũ, và bí ẩn, vừa mờ sương vừa hiện thực.

- ​ KẾT BÀI:

Truyện của Nguyễn Thành Long hấp dẫn người đọc bằng giọng văn trong sáng, giàu chất thơ, nhẹ nhàng, thoải mái, cốt truyện tưởng như đơn giản mà giàu ý nghĩa khái quát...Tuy tính cách và nghề nghiệp của các nhân vật khác nhau nhưng tất cả đều có chung một thái độ sống, lao động, làm việc và cống hiến hết mình cho Tổ quốc một cách vô tư, âm thầm, lặng lẽ. Đó là một truyện ngắn hay và tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thành Long: nhẹ nhàng, kín đáo mà rất sâu sắc và thấm đẫm chất thơ.

 

ĐỌC THÊM: MỞ BÀI NÂNG CAO LỚP 9 - HỌC KÌ 2

 

III. CHIẾC LƯỢC NGÀ (NGUYỄN QUANG SÁNG)

- ​ MỞ BÀI:

Đề tài về tình cảm gia đình luôn là mạch nguồn cảm xúc của văn chương. Ca dao Việt Nam ngập tràn bóng dáng người mẹ, người cha và tạo thành dòng chảy đi vào thơ văn hiện đại với Lời ru của mẹ (Xuân Quỳnh), Mẹ ốm (Trần Đăng Khoa), Bầm ơi! (Tố Hữu), Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông),… Cũng từ đó, tình cảm gia đình thiêng liêng được bồi đắp trong trái tim mỗi người, là sức mạnh, là niềm tin trong cuộc sống. Đồng thời, tình cảm gia đình là cái nôi sinh ra những tình cảm cao đẹp khác. Và tình cảm thiêng liêng ấy được đặt trong bối cảnh chiến tranh lại càng nổi bật, đậm đà. Chiếc lược ngà là một trong số đó. Truyện đã tập trung thể hiện tình cảm của cha con ông Sáu trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh, đã để lại nhiều xúc động trong lòng người đọc.

  • KẾT BÀI:

“Chiếc lược ngà” là tác phẩm thuộc loại truyện đọc đã thấy hay, khơi dậy trong ta những tình cảm cao đẹp”. Bằng sự tài tình trong xây dựng tình huống truyện, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và đọng lại cuối cùng trong cảm nhận chính là tình cảm cha con thiêng liêng, cảm động giữa ông Sáu và bé Thu. Truyện ngắn là bài ca bất diệt về tình cảm cha con sâu nặng, thắm thiết trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Bởi ta hiểu một điều rằng: “Chẳng có thứ tình cảm thiêng liêng nào hơn tình cảm gia đình.”

 

IV. NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI (LÊ MINH KHUÊ)

- ​ MỞ BÀI:

Lê Minh Khuê - cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn- viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nhà văn gắn với bạn đọc bởi tác phẩm: “Những ngôi sao xa xôi” viết năm 1971 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Với cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng đặc sắc, truyện ngắn đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ hy sinh của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn ngày nào.

 

- ​ KẾT BÀI:

Trong “Khoảng trời – hố bom”, Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết:

“Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom.”

Chiến tranh là vậy, vô cùng hiểm nguy và ác liệt nhưng vượt lên trên tất cả là một tinh thần thép, một ý chí sắt đá của những cô gái thanh niên xung phong làm việc trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Với “Những ngôi sao xa xôi”, Lê Minh Khuê đã gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc bằng những cảm nhận chân thực về cuộc sống chiến đấu gian khổ mà còn làm nổi bật thế giới tinh thần đẹp đẽ của những cô gái ấy, đó là những con người trẻ tuổi, trẻ lòng, yêu nước, giàu trách nhiệm với công việc.

 

ĐĂNG KÝ NGAY:
- 2K8 - KHOÁ HỌC KỸ NĂNG + LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC ĐỌC : TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC CHẠY VĂN: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC CẤP TỐC: TẠI ĐÂY 

- 2K8 - BỘ VIDEO KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN: TẠI ĐÂY

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

 

Tin liên quan